TPHCM tái khởi động đường Vành đai 2 sau hai năm dừng thi công
TPO - Đường Vành đai 2 còn gần 14km để khép kín toàn tuyến. Trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM ưu tiên mọi nguồn lực để khép kín đường Vành đa...
TPO - Đường Vành đai 2 còn gần 14km để khép kín toàn tuyến. Trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM ưu tiên mọi nguồn lực để khép kín đường Vành đai 2.
Đoạn Nút Giao Gò Dưa Bình Thái |
Ngày 13/2, UBND TPHCM cho biết, từ năm 2022, TPHCM sẽ khởi động lại đường Vành đai 2. Đến năm 2025 sẽ khép kín toàn tuyến đường này. Đường Vành đai 2 được quy hoạch cách đây 15 năm, tổng chiều dài hơn 64km nhưng hiện nay còn 14km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. Trong đó, đoạn 1 dài 3,82km từ cầu Phú Hữu đến Xa Lộ Hà Nội; đoạn 2 từ Xa Lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2km; đoạn 3 dài 2,75km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa; cả 3 đoạn này đều nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức. Đoạn 4 dài 5,3km từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn huyện Bình Chánh.
Trong báo cáo của Sở GTVT TPHCM vào cuối năm 2021 về đường Vành đai 2 thì đoạn 1 và đoạn 2 vẫn đang được tổ chức thẩm định; đoạn 3 dài mới chỉ đạt khoảng 44% khối lượng; đoạn 4 còn chưa được giao nhiệm vụ và bố trí kế hoạch vốn.
Đáng chú ý, đoạn 3 của dự án do Công ty CP Văn Phú Bắc Ái làm chủ đầu tư đoạn đường 2,75km nhưng đã ngưng thi công gần 2 năm nay. Công trường khu vực phường Tam Phú, TP.Thủ Đức bị bỏ hoang, sắt thép rỉ sét, cây cối mọc um tùm, các cây cầu trơ cả khung sắt. Tổng chi phí doanh nghiệp dự án đã tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành được xác nhận là hơn 1.355 tỷ đồng (tạm ứng cho công tác giải phóng mặt bằng là 960,116 tỷ đồng, xác nhận khối lượng hoàn thành là 395,02 tỷ đồng).
Công ty CP Văn Phú Bắc Ái làm chủ đầu tư đoạn 3 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng. Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư khiến dự án dừng từ tháng 3/2020 đến nay, khi đạt khoảng 44% khối lượng.
Vành đai 2 đang giải tỏa mặt bằng |
TPHCM tái khởi động đường Vành đai 2 sau hai năm dừng thi công ảnh
Dự án đường Vành đai 2 TPHCM, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa tạm dừng thi công. Ảnh: Phạm Nguyễn.
Đầu năm nay, TP.Thủ Đức đã hoàn tất bồi thường, giao mặt bằng 334 trong tổng 468 hộ, với diện tích hơn 15,6ha đất cho dự án. Sở Tài nguyên Môi trường đã kiến nghị UBND TPHCM bổ sung 6 khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư.
Ngoài đoạn 3, hai đoạn đi qua TP.Thủ Đức sẽ được Sở GTVT TPHCM tập trung triển khai trước. Đoạn 1 dự kiến vốn đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Giai đoạn đầu, dự án giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh, ước tính hơn 6.400 tỷ đồng. Công trình làm trước đường song hành hai bên, mỗi bên 3 làn xe. Tại ngã tư Bình Thái, dự án xây nút giao hoàn chỉnh, với cầu vượt hai chiều băng ngang xa lộ Hà Nội, mỗi chiều 5 làn đường và nhánh rẽ kết nối đồng bộ với các tuyến đường xung quanh.
Đoạn 2 ước tính vốn đầu tư giai đoạn đầu làm công trình này hơn 8.400 tỷ đồng. Đoạn này cũng chia làm hai giai đoạn triển khai, trong đó việc giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu, kinh phí hơn 5.500 tỷ. Sau đó, dự án làm đường song hành hai bên và xây dựng hoàn chỉnh nút giao ba tầng tại ngã ba Phạm Văn Đồng-Linh Đông.
Về đoạn 4, Sở GTVT đã có báo cáo, kiến nghị UBND TPHCM giao nhiệm vụ, bố trí kế hoạch vốn để tổ chức triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công dự án trong năm 2020, năm 2021. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được giao nhiệm vụ, bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư dự án.
Dự án đường vành đai 2 có chiều dài hơn 64 km, quy mô 6-10 làn xe. Dự án kết nối vành đai ngoại thành từ đại lộ Nguyễn Văn Linh qua nút giao Mỹ Thủy (quận 2 cũ) qua cầu Phú Hữu (quận 9 cũ), kết nối với xa lộ Hà Nội, tuyến Phạm Văn Đồng và quốc lộ 1A (đoạn qua quận Thủ Đức cũ).
Dự án được xem như đường vành đai rất quan trọng cho giao thông khu vực ngoại vi bao quanh TPHCM. Tuy nhiên, đến nay ngoài tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh được đưa vào sử dụng và quốc lộ 1A đang khai thác thì 11 km (chia làm 4 đoạn) vẫn đang dở dang, chưa được khép kín.
Khi được khép kín, Vành đai 2 còn giúp kết nối cảng biển và các tuyến giao thông quan trọng khác như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây, quốc lộ 1, 13...